Lục phủ bao gồm: Đởm, Vị, Đại trường, Tiểu trường, Bàng quang, Tam tiêu và Kỳ hằng. Công năng của lục phủ nói chung là thu nhận và tiêu hoá thức ăn uống, vận chuyển phân bố tân dịch, chất dinh dưỡng và thải chất cặn bã. Vì thế, còn được gọi là “Phủ truyền hóa”.

Phủ Đại trường

Chức năng phủ Đại truờng:

Đại trường gồm 2 bộ phận: Hồi trường và Trực trường, đầu cuối trực trường gọi là Giang môn (Phách môn). Đại trường có công dụng hấp thụ phần nước gọi là tế bí biệt trấp, vì cặn bã ở Tiểu trường dồn xuống sau khi được Đại trường hấp thụ phần nước mới thành phân. Vì thế Đại trường là một cơ quan truyền tống cặn bã và làm cho cặn bã thành tinh. Cho nên Thiên Linh lan bí điển luận – Tố vấn: “Đại trường giữ chức truyền tống, vật đã biến hóa từ đấy mà ra”. Nếu Đại trường hư hàn, mát công năng “Tế bí biệt trấp” thì có các chứng sôi bụng, đau xoắn, ỉa chảy. Trái lại, Đại trường thực nhiệt, dịch ruột khô ráo thì xuất hiện chứng táo bón. Nói tóm lại chức năng của Đại trường là hấp thu nước và bài xuất phân ra ngoài.

Rối loạn chức năng này sẽ dẫn đến:

Tiêu chảy.

Táo bón.

Phủ Tiểu trường

Dựa trên cơ sở Kinh dịch

Theo Kinh dịch, Phủ Tiểu trường ứng với quẻ Kiền của Hậu thiên Bát quái.

Quẻ Kiền tượng trưng cho ánh sáng rực rỡ, sức nóng. Như vậy, Phủ Tiểu trường và tạng tâm có cùng một tính chất với nhau.

Quẻ Kiền là nơi âm Dương tranh chấp nhưng rồi cũng xuôi theo. ứng với quẻ Kiền, Tiểu trường là nơi thanh Dương trọc âm cùng lẫn lộn, nhưng Tiểu trường có chức năng phân biệt thanh trọc, sau đó thì thanh sẽ thăng và trọc sẽ giáng.

Chức năng sinh phủ Tiểu trường

Tiểu trường giữ chức phận phân biệt thanh trọc:

Tiểu trường tiếp thụ đồ ăn uống đã được làm chín nhừ ở Vị và phân biệt thanh trọc làm cho thủy dịch và cặn bã được phân chia ra rành rọt. Vì thế nếu công năng Tiểu trường không được kiện toàn thì sẽ ảnh hưởng đến đại tiểu tiện.

Rối loạn chức năng này, dẫn đến:

Nước tiểu đục, đỏ.

Tiêu lỏng.

Phủ Tam tiêu

Dựa trên cơ sở Nội kinh

Nội kinh viết:“Tam tiêu là nguồn nước, thuỷ đạo xuất ra từ đây”. Như vậy, Tam tiêu chủ về thủy đạo, ví như một vị quan trông coi điều khiển việc khơi xẻ đường thuỷ đạo cho lưu thông (Quyết độc chi quan).

Chương 31, sách Nạn kinh nói Tam tiêu là con đường đưa khí huyết tân dịch đi chu lưu khắp tạng phủ.

Thiên Ngũ lung Tân dịch biệt luận – sách Linh khu nói: Tam tiêu đưa khí ra làm ấm áp bắp thịt, đưa Tân dịch ra làm tươi nhuận bì phu …”.

Thiên Bản thần – sách Linh khu viết: “Tam tiêu là phủ trung độc (chỗ hội tụ của đường nước) đường nước do đó mà ra, thông với Bàng quang”.

Tóm lại, Tam tiêu là con đường phân bổ Khí, huyết, Tân dịch trong cơ thể con người.

Phân biệt bộ vị của Tam tiêu và công năng của mỗi bộ vị

Theo Thiên Dinh vệ sinh hội – sách Linh khu, Tam tiêu được phân ra:

Thượng tiêu: Từ miệng trên của Vị (Bí môn) đến dưới lưỡi, bao gồm cả bộ phận lồng ngực và hai tạng Tâm, Phế.

Trung tiêu: Từ miệng trên của Vị (Bí môn) đến miệng dưới của Vị (U môn) bao gồm cả bộ phận bụng trên và Tỳ Vị.

Hạ tiêu: Từ miệng dưới của Vị xuống đến Tiền âm, Hậu âm, bao gồm cả bộ phận bụng dưới, Can, Thận, Đaị trường, Tiểu trường, Bàng quang.

Điều 31, sách Nạn kinh nói: “Thượng tiêu từ dưới lưỡi xuống đến cách mô ngang chỗ miệng trên của Vị, chủ nạp mà không xuất. Trung tiêu là ngang giữa trung quản của Vị, chủ việc ngấu nhừ thức ăn. Hạ tiêu ngang với miệng trên của Bàng quang, chủ xuất mà không nạp để truyền tống cặn bã”.

Thiên Dinh Vệ – sách Linh khu nói: “Thượng tiêu như sương mù …” để hình dung Thượng tiêu nhiều khí. Chính vì Thượng tiêu đưa khí đi khắp toàn thân mà có tác dụng dinh dưỡng phần cơ biểu, giúp mở đóng lỗ chân lông, làm ấm ngoài da, mượt lông tóc và phát sinh được công năng bảo vệ bên ngoài (công năng này gọi là Vệ khí ).

Ngoài ra, Thượng tiêu còn có công năng thu nạp. Thu nạp bao gồm thu nhận cả hô hấp và ăn uống (bởi vì Vị chủ việc tiếp nạp đồ ăn không để nôn ra ngoài, Phế chủ việc hô hấp). Cả hai đều khai khiếu ở Thượng tiêu.

Thiên Dinh Vệ sinh hội – sách Linh khu nói: “Trung tiêu như bọt nước sủi lên”. Hình ảnh bọt nước sủi lên tượng hình cho sự vận hóa thủy cốc thành Khí – Huyết – Tân – Dịch để nuôi dưỡng khắp toàn thân.Chức năng của Trung tiêu là thu nạp cốc khí, vận hóa thành tinh hoa đưa lên Phế hoá ra sắc đỏ gọi là Huyết. Tác dụng của Trung tiêu chủ yếu là hoá thủy cốc thành ra Khí – Huyết – Tân – Dịch có tác dụng dinh duỡng toàn thân.

Thiên Dinh Vệ – sách Linh khu nói:“Hạ tiêu như ngòi rãnh”. Sách

Trương Thị loại kinh nói:“Ngòi rãnh là chỗ thoát (nước) ra”. ý nói Hạ tiêu chủ việc xuất chứ không chủ nạp. Cho nên công năng chủ yếu của Hạ tiêu là bài tiết chất cặn bã ra ngoài theo Tiền âm và Hậu âm.

Triệu chứng khi Tam tiêu bị rối loạn

Thượng tiêu:

  • Khó thở, ói mữa.
  • Dễ cảm, sợ gió, sợ lạnh.
  • Da lông khô, kém nhuận.

Trung tiêu:

  • Đầy bụng, chậm tiêu, trướng hơi.

Hạ tiêu:

  • Tiểu dầm, tiểu không tự chủ, tiểu són, tiểu lắt nhắt.
  • Tiêu chảy, táo bón.

Phủ Đởm

Dựa trên cơ sở Nội kinh

Theo Kinh dịch, phủ Đởm ứng với quẻ Tốn của Hậu thiên Bát quái. Quẻ Tốn được giải thích như sau:

Quẻ Tốn tượng trưng cho gió. Gió và sấm sét là hiện tượng tự nhiên cùng xuất hiện. Sấm sét tượng trưng cho quẻ Chấn (ứng với tạng Can). Do đó, người xưa cho là Can, Đởm có quan hệ với nhau.

Chức năng sinh lý của Phủ Đởm

Đởm giả, trung tinh chi phủ:

Phủ Đởm tàng trữ Đởm trấp do Can gạn lọc.

Rối loạn chức năng này sẽ dẫn đến:

Không tàng trữ, sơ tiết được mật, gây đau bụng, chậm tiêu, vàng da.

Đởm giả, trung chính chi quan, quyết đoán xuất yên

Can chủ mưu lự, Đởm chủ quyết đoán. Chức năng Đởm đầy đủ thì mạnh dạn quyết định, không do dự.

Phủ Vị

Chức năng sinh lý phủ Vị

Vị ở dưới cách mạc, trên tiếp với thực quản, dưới thông với Tiểu trường, miệng trên gọi là Bí môn, miệng dưới gọi là U môn; Bí môn cũng gọi là Thượng quản, U môn cũng gọi là Hạ quản. Thức ăn uống từ miệng vào, qua thực quản rồi vào Vị cho nên Vị gọi là Đại thượng. Cái kho lớn hoặc gọi là bể của thủy cốc.

Khí huyết của cơ thể là do chất tinh vi trong đồ ăn uống hóa sinh, bắt nguồn ở Vị. Vì thế Vị vừa là bể của thủy cốc, vừa là nguồn gốc của khí huyết. Sự vận động của lục phủ ngũ tạng, chân tay xương khớp đều nhờ vào sự dinh dưỡng của khí huyết, cho nên người có Vị khí sung bại không thu nhận được cơm nước thì tiên lượng phần nhiều là không tốt. Người xưa có nói “ăn được thì tốt, không ăn được thì chết” tức là nói về tình huống này.

Vị có công năng thu nhận và tiêu hóa cơm nước, nếu Vị có bệnh thì sẽ xuất hiện các chứng vùng bụng trướng đau, trướng đầy, tiêu hóa không tốt, đói không muốn ăn, nôn mữa, nuốt chua hoặc tiêu cơm chóng đói

Phủ Bàng quang

Chức năng sinh phủ Bàng quang

Bàng quang là nơi chứa và thải nước tiểu:

Thuỷ dịch qua quá trình chuyển hoá, phần cặn bã được đưa về chứa tại Bàng quang, nhờ vào sự khí hoá của Thận mà đưa ra ngoài theo đường tiểu.

Rối loạn chức năng này, dẫn đến:

Tiểu không thông hoặc bí tiểu.

Tiểu không cầm được.

Phủ Kỳ hằng Kỳ có nghĩa là khác.

Hằng có nghĩa là thường.

Phủ Kỳ hằng bao gồm những cơ quan không giống với đặc tính của Tạng lẫn đặc tính của Phủ, như: Não, Tuỷ, Cốt, Mạch, Đởm, Tử cung.

Não Tuỷ

Não có vị trí ở trong xương sọù. Tủy sống ở trong xương sống. Theo YHCT, tủy sống qua ống tủy, thông lên với não. Thiên Ngũ tạng sinh thành – sách Tố vấn ghi:“Mọi thứ tuỷ đều thuộc vào não”. Thiên Hải luận – sách Linh khu cho rằng:“Não là bể của tủy”.

Chức năng sinh lý của não tủy:

Chỉ đạo mọi hoạt động tinh thần, mọi hoạt động, mọi giác quan.

Rối loạn chức năng của não tủy sẽ dẫn đến mất ý thức, yếu liệt, mất nhận thức cảm quan.

Tủy xương – Xương

Tủy được sinh ra ở Thận, được chứa trong xương và có nhiệm vụ nuôi dưỡng xương.

Xương có tính cứng rắn, là giàn giáo cho cơ thể. Xương được tủy nuôi dưỡng mới giữ được tính cứng rắn. Thiên Giải tinh vi luận – sách Tố vấn viết: “Tủy là thứ làm cho xương chắc, đặc”.

Tinh tủy không đầy đủ thì xương bị còi, dễ gãy.

Mạch

Mạch được phân bố khắp toàn thân, có quan hệ chặt chẽ với tâm (tâm chủ huyết mạch). Mạch và tâm hợp tác với nhau mới đảm bảo được cho việc vận hành huyết dịch.

Chức năng sinh lý của mạch là làm cho khí huyết vận hành theo hướng nhất định và vận chuyển khí huyết đi nuôi dưỡng toàn thân.

Rối loạn chức năng của mạch có liên quan đến chức năng của tâm ngoài triệu chứng mạch đập không đều.

Tử cung

Chức năng sinh lý của tử cung là chủ việc kinh nguyệt và thụ thai.

Rối loạn chức năng này, dẫn đến vô sinh, sẩy thai, kinh nguyệt ít, vô kinh.