Thông thường, chỉ khi bước vào giai đoạn trung niên, chúng ta mới nhận ra những sai lầm trong lối sống khiến chức năng cơ thể và chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng.

1. Cơ thể là của bạn, nhất định phải trân trọng

Khi còn trẻ, bạn luôn đánh đổi cơ thể của mình để lấy những giá trị khác. Sẵn sàng thức khuya để tăng ca, không ngủ để hoàn thành công việc, nhịn ăn nhịn uống vì ham chơi vì vẻ đẹp. Đến khi tuổi cao bạn mới phát hiện ra rằng, chức vị càng cao, kiếm tiền càng nhiều cũng không đáng với những giá trị sức khỏe đã mất đi.

Tuổi trẻ cũng khiến chúng ta hiếu thắng hơn, cạnh tranh hơn, thường xuyên nổi giận và mất bình tĩnh trước những người và sự việc khiến bạn khó chịu trong lòng. Nhưng trải qua thời gian mài giũa, bạn sẽ sớm biết rằng, ngoại trừ sinh tử con người, chúng ta nên tìm cách khống chế cảm xúc quá kích động của bản thân. Đừng vì chuyện cãi vã hàng ngày, chuyện lỗ lãi trong mua bán hay tranh luận đúng sai mà bạn làm cho cơ thể phải chịu đựng. Sức khỏe và cơ thể mới là tiền vốn quan trọng nhất của một người. Trước tiên phải học cách trân trọng bản thân, yêu quý chính mình, đây mới là nguyên tắc đầu tiên mà một người trưởng thành cần nhớ.

2. Cuộc sống của mình, vui vẻ hay u sầu thì cũng phải tự mình trải qua

Mỗi chúng ta hằng ngày đi làm đều có những ánh mắt đánh giá và nhận xét của người đời, chính vì vậy có những việc bạn luôn ngập ngừng khi đưa ra một quyết định nào đó. Chúng ta sợ người khác thất vọng, sợ họ không hài lòng với mình. Từ chuyện lớn như công việc, nghề nghiệp, tình cảm, hôn nhân cho tới chuyện nhỏ như hôm nay mặc gì ra đường đều phải đắn đo một hồi.

Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn bị chi phối và thao túng bởi những tiếng nói bên ngoài.Nhưng thực tế, sau này bạn sẽ thấy rằng, cuộc sống là của riêng bạn. Dù có vui vẻ hay u sầu thì cũng chỉ có bạn tự trải qua. Cuộc sống đó nên do chính bạn quyết định, ý kiến của người khác chỉ có tác dụng trên khía cạnh gợi ý và tham khảo mà thôi. Quan trọng nhất là phải đạt được nguyên tắc thoải mái, đồng thuận từ trong trái tim.

3. Không cần có nhiều bạn bè, vừa đủ để chia sẻ là được

Nhiều người cứ tưởng rằng kết giao càng nhiều người, mở rộng mối quan hệ xã giao sẽ khiến cuộc sống của chúng ta thuận lợi hơn. Nhưng đến một độ tuổi nhất định, nguyên tắc cuộc sống quan trọng mà ai cũng cần hiểu chính là: Bạn bè không cần quá nhiều.

Càng trưởng thành, tìm được một người bạn thực sự lại càng khó hơn. Bởi hiện này việc giao thiệp 4.0 đậm tính xã giao và đặt nặng quan hệ lợi ích, người ta bỏ rơi những tương tác con người trực tiếp. Đó chính là lý do mà chúng ta dần dần đánh mất những mối quan hệ trực tiếp quan trọng.

Đến độ tuổi trưởng thành rồi, cũng chẳng muốn lấy lòng ai nữa. Ở bên cạnh ai thấy thoải mái thì ở. Mệt mỏi thì lựa chọn sự xa cách cho mình. Lấy lòng người ta, chẳng thà làm bản thân vui vẻ còn hơn. Chúng ta có thể nuối tiếc, chứ không tạm bợ. Chỉ cần vài người luôn hiểu nhau và luôn có mặt những khi mình cần là đủ.

4. Chẳng cần sống quá giàu sang, chỉ cần chất tinh thần vui vẻ

Càng theo đuổi cái gọi là danh lợi, phú quý, vật chất, tiền tài, chúng ta càng dễ bị sự tham lam lôi kéo. Càng dấn sâu vào con đường này, chúng ta càng mắc kẹt trong những dục vọng lớn hơn. Giàu sang thì chẳng bao giờ là đủ. Ai rồi cũng trở thành nạn nhân quay cuồng trong những lo toan bạc tiền.

Nhưng nếu so với sơn hào hải vị, một bữa ăn gia đình ấm cúng, cho dù chỉ là rau luộc, thịt rang và bát cà muối giản đơn, thì cũng đủ đem lại hạnh phúc trọn vẹn. So với một gian biệt thự rộng cả trăm mét vuông, đôi khi, chỉ cần một chiếc giường ấm áp trong căn phòng ngủ yêu thích cũng đủ để xoa dịu mệt mỏi, giúp tâm hồn an yên sau một ngày dài mệt mỏi.

Chúng ta vốn có thể tìm được chất lượng cao ngay từ những trải nghiệm thông thường nhất. Hạnh phúc cũng chỉ là một loại cảm xúc. Chúng đến từ tinh thần và tâm trí mà không bị ràng buộc bởi tiền tài hay vật chất bên ngoài. Chỉ cần bạn biết đủ, biết an yên với chính mình thì vẫn có thể sống vui sướng, lạc quan.

5. Cảm xúc ổn định

Khống chế cảm xúc chính là kỹ năng quan trọng của thế giới người trưởng thành. Bạn không còn dễ kích động, bị cuốn vào trong thăng trầm như khi còn trẻ người non dạ mà học được cách bình tĩnh, thong dong khi đối mặt với bất cứ chuyện gì. Dù gặp khó khăn hay vất vả, thay vì trở nên chán nản, từ bỏ chính mình, chúng ta học được cái nhìn thấu đáo hơn cho sự việc để học tập và rút kinh nghiệm cho tương lai.

Khi giữ một tâm thái tốt, mọi thứ qua ánh mắt chúng ta đều có thể trở nên tích cực hơn. Người lạc quan, hướng về phía trước không phải là người chưa từng gặp bất cứ thất bại hay tổn thương nào, chỉ đơn giản là họ đã học được cách đối mặt. Điều gì có thể thay đổi thì thay đổi, không thuộc về mình thì chẳng cưỡng ép nữa. Điều quan trọng là chúng ta còn sống đúng với nguyên tắc của bản thân, vẫn tự do và phóng khoáng, giữ được tư duy độc lập và tinh thần hướng tới sự tiến bộ. Học cách thản nhiên đối mặt với khó khăn, thong dong khi gặp trắc trở, chúng ta mới rèn luyện nên phong thái đĩnh đạc của bản thân trong mắt người khác.