(Tưởng nhớ bác Ngô Sĩ Quý nhân ngày giỗ thứ 20 với lòng biết ơn sâu sắc – NGUYỄN TIẾN LONG)

Tôi là bạn học với Trần Hữu Nghị từ thời ở trường Nguyễn Văn Trỗi. Thi đại học, chúng tôi cùng đủ điểm đi “tây”, cùng được phân sang học ở Liên Xô. Tuy khác thành phố nhưng chúng tôi vẫn duy trì tình cảm thân thiết. Tốt nghiệp về nước chúng tôi ở trong tình trạng chung chờ phân công công tác. Thời gian rảnh rỗi mấy anh em “ở Tây về” thường tụ tập tại nhà Nghị ở số 99 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nghị có người em út tên là Trần Việt Trung, khi ấy vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và cũng đang trong tình trạng “thất nghiệp” như chúng tôi. Tuổi tác tuy có chênh nhau chút ít nhưng tính tình hợp, đặc biệt là có chung sở thích võ thuật nên chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết. Tôi đến Trần Hung Đạo như về nhà mình, có nhiều hôm chơi khuya còn ngủ lại.

Ngay từ khi còn nhỏ, sống ở Quân khu Nam Đồng, tôi đã tập võ, nhưng đa phần chỉ là học lỏm các thế, miếng của các anh đi trước chứ chưa thành bài bản. Cũng từng va chạm với bên ngoài mà phần lớn là giành phần thắng nhưng không phải do giỏi võ mà chủ yếu dựa vào sức khỏe và sự can đảm, quyết liệt, không biết sợ.

Trong một lần gặp gỡ với anh Hoàng Quốc Toàn ở 99 Trần Hưng Đạo, được anh thể hiện lối đánh mềm mại như bông, như nhung, vô cùng linh hoạt, tất cả chúng tôi bị thuyết phục, xin theo học. Anh Toàn giới thiệu mấy anh chúng tôi, gồm Trung, Nghị, Long xuống gặp thầy của anh – bác Ngô Sĩ Quý.

Thật bất ngờ đối với tôi cùng một số anh em bạn bè thân thiết, bác Quý thu nạp ngay Trung làm môn đệ nhưng lại từ chối dạy tôi! Thú thật là khi ấy tôi không khỏi có chút chạnh lòng vì luôn tự tin mình là người tốt, có tri thức lại không ngại va chạm cả với tây – điều này đã nhiều người biết. Đến khi đã trở thành học trò của bác tôi mới biết lý do, lần gặp đầu tiên bác thấy tôi tính tình có nét lông bông, lãng tử nên cần có thời gian kiểm tra, thử thách thêm.

Thời gian ấy kéo dài… hơn một năm!

Nhưng tôi chẳng buồn lâu bởi bác Quý thực sự có sức hút đối với tôi, một sự “hấp dẫn” khó cưỡng nên dù chưa phải là học trò, tôi vẫn thường xuyên qua lại nhà bác. “Thấy cơm thì ăn, thấy việc thì làm”, chỉ có võ thuật là tuyệt nhiên chưa được đả động tới.

Bác Quý luôn vui mỗi khi tôi đến chơi. Những lần hai bác cháu nói chuyện, bác thường đưa ra những “lý thuyết khó” với tôi lúc đó để cùng trao đổi. Ví dụ các khái luận triết học phương Đông như âm – dương – ngũ hành hay sắc – không của Phật giáo… Thi thoảng bác cũng nói về võ nghệ nhưng dưới dạng võ triết – võ lý; trong đó những đặc trưng nổi bật của các môn phái võ thuật mang đậm dấu ấn thời đại cũng được bác đề cập đến. Tư tưởng xuyên suốt của bác Quý là đề cao nhận thức, có hai từ bác thường xuyên nhắc đi nhắc lại là giác ngộ. Từ nhận thức đến giác ngộ là một quá trình, dài ngắn tùy theo từng người nhưng chỉ khi hiểu và hiểu đúng, hiểu sâu sắc thì người ta mới có thể thực hành, được tốt, bởi suy cho cùng, mọi hành động đều do nhận thức và từ nhận thức mà ra. Nếu nhận thức sai các nguyên lý, quy luật; về chủ quan và khách quan trong vận động thì ắt sẽ dẫn đến sai lệch trong luyện tập. Khi ấy càng tập, càng phản tác dụng, càng luyện càng sớm thoái hóa. Tất nhiên như vậy thì võ công cũng không thể giỏi, nếu có được chút thành tựu thì cái giá phải trả rất lớn.

Sau này khi đã có nhân duyên được bác chỉ bảo, tôi nhận thấy bác thường đánh giá các bài tập và các bài kiểm tra bằng quan điểm nhận thức như đã nêu ở trên. Với bác dạy võ – học võ không phải chỉ dạy – học mấy cái đấm, cái đá – những người ấy dù có mang danh “giỏi võ” thì cũng chỉ đến mức đi làm vệ sĩ cho người ta mà thôi. Học võ để xây dựng con người toàn diện, khi đất nước cần đến, thì đó phải là những bậc lương tướng trong đời.

Nghĩ lại, thấy tầm tư tưởng của bác rất lớn, nhất quán và xuyên suốt.

Trong quãng thời gian một năm đó với tôi có rất nhiều “thử thách” – nếu chúng ta gọi như vậy, nhưng mỗi một “thử thách” là những bài học, kiến thức, xử thế bác truyền lại để tác động làm thay đổi nhận thức của học trò, để học trò có một nhận thức đúng trước khi bước vào chặng đường dằng dặc của võ thuật. Tôi nhớ như in “thử thách” cuối cùng, là bây giờ nói vậy chứ lúc ấy đã biết đầu cuối thế nào đâu. Bác hỏi tôi: Có biết nấu ăn không? Tôi đáp có. – Vậy thì chú đi chợ, nấu một bữa cơm ở nhà tôi.

Tôi tự tay vào bếp thổi cơm. Các món ăn cũng đơn giản, có rau muống luộc, nước dầm sấu, kèm theo mấy quả cà. “Đặc sắc” nhất là món thịt lợn kho tàu. Bác nếm thử, khen với bác Loan: “Long nó làm món này ngon đấy!”. Trước lúc ra về, bác bảo, từ ngày mai đến đây mà học. Tôi mừng không thể tả khi chính thức được bác nhận làm học trò. Mà thực ra, trong một năm qua bác đã chỉ dạy, qua đó chuẩn bị cho tôi rất nhiều điều trước khi bước vào học võ. Tôi nghĩ rằng, chỉ những người thầy lớn mới có thể truyền đạt cho học trò những điều lớn lao, sâu sắc từ những bài học tưởng chừng rất nhỏ.

Thời gian tôi tập quyền dưới sự chỉ dạy của bác Quý không dài, nhưng cũng đầy đủ tất cả các bài quyền trong học thuật của bác. Thật may, người bạn tập cùng với tôi là anh Trần Việt Trung. Tập được nửa năm, tôi xin phép bác, về quyền đã có Trung rồi, không còn phải lo lắng gì nữa, bác cho cháu tập trung luyện phần dưỡng sinh trong vận động quyền thuật. Và cũng thật may, bác đã đồng ý.

Phàm là con người ai cũng mong mình có sức khỏe. Bác Quý từng định nghĩa “khỏe là thăng bằng”- điều này nhiều người biết vì bác vẫn luôn nhắc đi nhắc lại. Nhưng trong cuộc sống, và lao động, do đòi hỏi của công việc, con người ta thường xuyên phải đối mặt với những trạng thái buồn vui, cáu giận, tính toán, suy nghĩ… khiến đầu óc căng thẳng, thân thể đau mỏi, khí huyết tắc nghẽn, rối loạn chuyển hóa… nghĩa là cả thân và tâm đều mất thăng bằng, yếu cả về cơ học lẫn sinh học dẫn đến trí lực mệt mỏi, đau đầu, giảm sút khả năng tư duy sáng tạo. Vì vậy bác Quý luôn đề cao dưỡng sinh, tập luyện dưỡng sinh để sửa chữa sự mất thăng bằng trong vận động. Nói cách khác là phải rèn luyện để nâng cao cả thể lực và trí lực, nhằm lấy lại thăng bằng cho cơ thể – đó mới là cái gốc của sức khỏe.

Dưỡng sinh ở đây là dưỡng sinh vận động, khác hẳn với một số môn dưỡng sinh khác chỉ luyện tập trong môi trường chủ quan mà không có thực tiễn khách quan phong phú, sinh động, về vấn đề này, bác Quý từng tổng kết: “Giá trị của võ (ở đây chỉ bàn đến tính chiến đấu và tính hiệu quả trong chiến đấu – tôi nhấn mạnh) trong xã hội hiện đại sẽ ngày càng giảm, nhưng mọi thời đại, mọi người đều cần dưỡng sinh. Con người phải ý thức được việc tự mình sửa chữa sự mất thăng bằng, bởi lâu ngày mất thăng bằng sẽ sinh ra cả thân bệnh lẫn tâm bệnh”. Chính vì điều này nên bác Quý luôn trăn trở tìm phương pháp phổ cập dưỡng sinh trong nhà trường phổ thông.

Khi đã trải đời hơn, tôi vô cùng biết ơn bác Quý về quãng thời gian “thử thách” quý báu này. Những nguyên lý trên đã giúp tôi giác ngộ rất nhiều điều trong quá trình được bác trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật sau này. Học thuật của bác rất vi diệu, không thể nói ra một lúc trên vài trang giấy. Nhưng nhân dịp này, tôi xin tóm tắt lại tinh thần học thuật của bác Ngô Sĩ Quý từ những gì mình được thụ giáo theo hai nội dung: Dưỡng sinh và Võ thuật để các bạn tham khảo.

DƯỠNG SINH

Mục tiêu của con người là sống khỏe, sống thọ và có trí tuệ minh mẫn nên cần phải rèn luyện đồng thời thân thể và tinh thần thì mới khỏe cả về thể lực và trí lực.

– Thân thể con người ta sinh hoạt và lao động ở các tư thế khác nhau, lâu ngày bị co cứng, nếu chỉ nghỉ ngơi tĩnh (nằm, ngồi) không giải quyết được. Để sửa chữa trạng thái mất cân bằng này ta buộc phải làm giãn ra, lỏng ra cho khí huyết lưu thông, cơ thể sẽ bớt đau, mỏi.

– Tinh thần con người cũng vậy, rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mỏi mệt do thường xuyên liên tục phải suy nghĩ, toan tính…cùng các tình trạng thái quá của cảm xúc (quá vui, quá buồn, quá, quá giận …). Do vậy, tinh thần cũng rất cần được nghỉ ngơi để giảm bớt căng thẳng, lấy lại sự an lạc.

Vậy phải làm thế nào để dưỡng sinh theo nghĩa nuôi dưỡng và sinh sôi?

Bản chất của vận động là tập cho cơ thể được giãn lỏng ra để sửa chữa những phần bị co cứng nên việc đầu tiên là phải quay các ổ khớp: cổ tay – khuỷu tay – cánh tay (vai); cổ chân – gối – đùi (háng); các khớp cổ cùng xương sống. Sau đó làm lỏng bằng cách văng quay các phần cơ thể đó (chỉ có văng quay mới thật sự lỏng). Trong quá trình vận động dẫn đến mất thăng bằng, chỉ có chuyển động quay (hiệu ứng con quay) mới nhanh chóng lấy lại được thăng bằng. Nói cách khác, phải quay bằng lực văng thì mới lỏng được. Nếu chỉ quay không thì sẽ không lỏng, thậm chí còn bị co cứng; nếu chỉ văng không thì hết quỹ đạo vận động sẽ buộc phải dùng lực để co lại (thu về). Như vậy, phải thực hiện đồng thời hai hành vi trong một vận động, đó là văng quay.

Cùng với quay phải kết hợp tập thở trong vận động. Tập thở không quá khó, chỉ cần chú ý một chút. Lúc bắt đầu văng quay thì thở ra bằng miệng (thổi ra); theo cơ chế tự nhiên, cơ thể sẽ tự hít vào theo nhu cầu nội tại mà người tập không cần điều khiển.

Đó là luyện thân.

Bên cạnh việc luyện thân còn phải chú ý luyện tâm. Khi tâm thức được nghỉ ngơi, thăng bằng thì sẽ bớt loạn động, trí tuệ minh mẫn và sẽ suy nghĩ tích cực, tâm thiện giúp tăng cường năng lực tư duy, nhanh chóng đạt tới trạng thái cảm xúc thật. Trái lại, khi tâm lo lắng, buồn chán, trì trệ thì dễ có ý nghĩ bất thiện, tiêu cực bởi tâm thức điều hành tất cả, quyết định mọi thành công của bản thân. Đây là một sáng tạo của bác Quý mà sinh thời bác hay dùng từ “nhập tĩnh” để chỉ trạng thái lấy lại thăng bằng của tâm thức. Theo bác Quý, ít có môn nào hướng dẫn rèn luyện tâm thức trong vận động.

Cách thức luyện tập khá phức tạp nên người tập luyện cần phải nằm được nguyên lý và kiên trì, gồm 3 bước:

– Bước 1: Theo dõi việc vận động của thân để biết mình đang làm gì (tức là cảm xúc). Lưu ý là chỉ “quan sát” mà tuyệt đối không “phán xét”. Làm được như vậy là tâm được tạm nghỉ.

– Bước 2: Theo dõi hơi thở.

– Bước 3: Có ý thức làm nhiệm vụ “tắt” vận động. Khi văng chính là lúc tắt máy thả trôi – trong ý thức (giống với trạng thái được buông xả trong tu tập tâm linh) – thì tâm sẽ được lỏng ra, đỡ căng thẳng. Trạng thái này còn cao hơn là nghỉ ngơi đơn thuần.

VÕ THUẬT

Theo tôi, nền tảng cơ bản của võ thuật nhu quyền được xây dựng từ Dưỡng sinh. Gồm các nội dung sau:

1. Phát lực:

Bản chất phát lực là bằng thân theo biểu tượng vận động thân xà (con rắn) chứ không phải bằng tay hay chân. Đây là nguyên tắc, yêu cầu tiên quyết, nên cơ chế của phát lực (ra đòn) là giật – văng – quay bằng thân.

– Giật (lực co): Để tạo lực, phát huy tối đa sức mạnh của cơ thể. Giật là cương (dương).

– Văng (duỗi): Để giải phóng lực và làm tăng thêm tốc độ ban đầu của lực. Văng là nhu (âm), là nghỉ.

– Quay: Để lấy lại cân bằng, trở về trạng thái thăng bằng. Có quay thì khi va đập vào khách quan, lực sẽ trượt theo phương tiếp tuyến mà không bị phản hồi lại (tức không chịu sự tác động của phản lực).

Về phần tâm thức trong luyện tập phát lực tôi muốn nhấn mạnh: người tập hãy cố gắng rèn luyện 2 trong 1, tức là luôn có tâm thức trong rèn luyện thân thể để thân và tâm không tách rời nhau.

2. Thăng bằng động:

Nói một cách giản dị thì đây chính là đu đẩy mà mục tiêu là mượn lực của đối phương làm đối phương mất thăng bằng. Nghĩa là đẩy sẽ thua đu – đu sẽ thua đẩy tùy hành vi nào đến trước. Đây là nguyên tắc khách quan cho nên đúng trong mọi trường hợp. Như đã nói ở trên, chuyển động là mất thăng bằng nên đu đẩy theo nguyên tắc này để lấy lại thăng bằng, nghĩa là hòa liền với khách quan.

Tập đu đẩy động là tập mất thăng bằng và lấy lại thăng bằng; vì thế mới dẫn đến điều tưởng như nghịch lý, đó là ai thua tốt thì sẽ giỏi võ hay nói cách khác là phải biết thua trước khi thắng.

3. Tiếp đòn:

Tiếp là tiếp xúc, không né tránh khách quan để vận dụng được quy luật đu đẩy động. Cách thứ nhất là quay thân vào đòn đánh (nhập nội) kèm theo khuôn tay (tay chết). Cách này chỉ tiếp xúc đơn thuần bằng lực quay.

Một cách khác để tiếp đòn là ra lực luôn, nghĩa là phát lực vào đối phương trong quá trình quay. Với cách này tay có thể chết có thể sống (theo nguyên lý con lắc đơn, con lắc kép).

4. Ý quyền:

Tập ý quyền để nối được vận động ý thức và vận động cơ thể một cách nhuần nhuyễn (thường gọi là linh giác). Bởi ý thức và thân chỉ liên hệ được với nhau thông qua một đối tác trung gian đó là cảm xúc. Do vậy luyện tập đúng để xây dựng hệ thống cảm xúc của thân sao cho thật nhạy cảm, có thế thì trong thân luôn có tâm và tâm luôn ở trong thân, nghĩa là thân và tâm hòa liền hoàn toàn với nhau. Khi ấy mới đạt tới được phản xạ có điều kiện tự nhiên như vô thức, nghĩa là không cần điều khiển. Và vận động của mình sẽ đạt đến sự biến hóa vô cùng bởi năng lượng dễ sinh ra, nhanh chóng tái tạo, ít bị hao tổn khí lực.

Võ thuật, theo bác Quý, không đơn thuần là cách đánh nhau, khả năng tự vệ hay thượng đài tỉ thí tranh giành giải thưởng, danh hiệu mà là rèn luyện sức khỏe thể lực và trí lực. Học võ cũng là học ứng xử nên nó vô cùng cần thiết, đặc biệt với thế hệ trẻ, từ lứa tuổi thiếu niên. Nhưng trong xã hội hiện đại, có cái quan trọng hơn cả võ thuật, đó là dưỡng sinh. Dưỡng sinh giúp người ta giác ngộ, tìm được chân hạnh phúc và bởi thế nên nó cần thiết suốt đời cho mọi người, mọi lứa tuổi. Đó cũng chính là điều mà bác Ngô Sĩ Quý luôn tâm niệm, mong muốn trao truyền cho thế hệ mai sau.

Tiếp thu tư tưởng của bác Ngô Sĩ Quý, một nhà giáo – nghệ sĩ đồng thời là một người thầy mà tôi vô cùng kính trọng và biết ơn, tôi cố gắng phát huy giá trị nội dung dưỡng sinh – nhu quyền theo đúng tinh thần đó và hôm nay xin chia sẻ với mọi người. Ngõ hầu để tất cả hình dung ra con đường mình phải đi và cái đích sẽ đến.

Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2017