Trí tuệ ưu tú có thể được định nghĩa là “sự phối hợp giữa kiến thức và nỗ lực trên tinh thần hòa hợp giữa hai hay nhiều người nhằm đạt được một mục đích xác định”.

Không có một cá nhân nào có thể đạt được một sức mạnh to lớn nếu không sử dụng Trí tuệ ưu tú. Tôi đã dẫn giải cho các bạn thấy làm thế nào để tạo ra những kế hoạch nhằm biến khát khao thành giá trị tiền bạc tương đương. Nếu bạn tiến hành những hướng dẫn đó với lòng kiên trì và trí thông minh đồng thời lựa chọn đúng đắn nhóm Trí tuệ ưu tú của mình, thì mục đích của bạn đã đạt được một nửa, thậm chí ngay cả trước khi bạn bắt đầu nhận ra điều đó.

Để bạn hiểu rõ hơn sức mạnh tiềm tàng nếu như bạn lựa chọn đúng đắn nhóm Trí tuệ ưu tú, tôi sẽ giải thích hai lợi điểm khi áp dụng những nguyên tắc nhóm Trí tuệ ưu tú, một là lợi thế kinh tế, hai là lợi thế tinh thần.

Lợi thế kinh tế: Thuộc tính kinh tế là hiển nhiên. Những cá nhân ưu tú sẵn sàng cống hiến tất cả những gì họ có thể trên tinh thần hòa hợp tuyệt đối và luôn nhận được những lời khuyên răn, tư vấn cũng như hợp tác từ nhóm đó chắc chắn sẽ nhận được những lợi ích kinh tế tương đương. Dạng liên minh hợp tác bởi trên nền tảng hầu hết của mọi gia tài lớn. Thấu hiểu chân lý vĩ đại này có thể quyết định hoàn toàn tình trạng tài chính của bạn.

Lợi thế tinh thần: Những gì tôi đề cập đến về lợi ích tinh thần của Trí tuệ ưu tú khó lĩnh hội hơn một chút. Bạn có thể hiểu hơn về ý nghĩa của nó qua lời phát biểu sau: “Không có hai trí tuệ nào đến với nhau mà không tạo ra một sức mạnh thứ ba, một sức mạnh vô hình và trừu tượng có thể được so sánh như một bộ não thứ ba”. Trí tuệ con người cũng là một dạng năng lượng. Khi trí tuệ của hai người phối kết với nhau trên tinh thần hòa hợp, năng lượng của trí tuệ này dường như “kích thích” năng lượng của trí tuệ kia, tạo ra hiệu ứng tinh thần đặc biệt của nhóm Trí tuệ ưu tú.

Chính Andrew Carnegie là người đầu tiên truyền đạt cho tôi những nguyên tắc Trí tuệ hay đúng hơn là những đặc trưng kinh tế của nó hơn năm mươi năm về trước. Việc khám phá ra nguyên tắc này đã quyết định đến sự lựa chọn sự nghiệp của cuộc đời tôi.

Nhóm Trí tuệ ưu tú của ngài Carnegie gồm khoảng năm mươi người luôn sát cánh bên ông để chiến đấu cho một mục tiêu rõ ràng là sản xuất và kinh doanh thép. Andrew Carnegie biết rất ít về phương diện kỹ thuật của ngành thép, điểm mạnh của ông là khả năng kết nối và tập hợp những người khác cùng làm việc trên tinh thần hòa hợp để cùng hướng tới một mục tiêu chung. Ông cho rằng tất cả gia tài mà ông có được là nhờ sức mạnh ông đã tích lũy được thông qua nhóm Trí tuệ ưu tú của mình.

Nếu bạn phân tích thành công của bất cứ người nào đã tích lũy được một gia tài lớn và cả những người tích lũy được một gia tài khiêm tốn hơn, bạn sẽ thấy rằng tất cả họ đều sử dụng một cách ý thức hoặc vô thức sức mạnh của nguyên tắc  Trí tuệ ưu tú. Những sức mạnh to lớn chỉ có thể được tích lũy qua nguyên tắc này!

 Sức mạnh bảo đảm sự thành công trong quá trình tích lũy tiền bạc. Mọi kế hoạch sẽ trở nên vô dụng nếu không đủ sức mạnh để biến nó thành hành động. Chương này sẽ miêu tả phương pháp giúp một người có thể đạt được và áp dụng sức mạnh đó.

Sức mạnh có thể được định nghĩa là “kiến thức được tổ chức tốt và định hướng một cách thông minh”. Sức mạnh, theo nghĩa được sử dụng ở đây, muốn nói đến những nỗ lực có tổ chức đủ để giúp một cá nhân có thể biến khát khao thành giá trị tiền bạc tương đương. Những nỗ lực có tổ chức hình thành qua sự phối hợp những nỗ lực của hai hay nhiều người cùng làm việc để hướng tới một mục đích rõ ràng trên tinh thần hòa hợp.

Sức mạnh rất cần thiết trong quá trình tích lũy tiền bạc. Sức mạnh cũng cần thiết để giữ lại tiền bạc sau khi đã tích lũy được chúng. Nếu sức mạnh là “kiến thức được tổ chức”, chúng ta hãy kiểm tra nguồn gốc của kiến thức này: Miền Trí tuệ vô biên. Bạn có thể tiếp cận nguồn tri thức này với sự giúp đỡ của óc tưởng tượng sáng tạo thông qua tiềm thức.

Những kinh nghiệm được tích lũy. Những kinh nghiệm đã được tích lũy của con người có thể được tìm thấy trong bất cứ một thư viện công cộng nào được trang bị tốt. Một phần quan trọng của các kinh nghiệm này được phân loại và tổ chức giảng dạy trong trường học.

Thí nghiệm và nghiên cứu. Trong lĩnh vực khoa học và trong thực tế cuộc sống, con người thu thập và phân loại, tổ chức những sự kiện và thông tin mới hàng ngày. Đây là nguồn kiến thức bạn phải tận dụng khi chúng không sẵn có qua “kinh nghiệm đã được tích lũy”. Lúc này, trí tưởng tưởng sáng tạo cần phải được sử dụng.

Kiến thức có thể đạt được từ bất kỳ nguồn nào được nói đến ở trên. Chúng có thể biến thành sức mạnh bằng cách tổ chức thành những kế hoạch rõ ràng và biến những kế hoạch đó thành những hành động.

Khảo sát ba nguồn kiến thức trên, bạn sẽ thấy nếu chỉ dựa vào những nỗ lực cá nhân sẽ rất khó để có được tất cả những kiến thức cần thiết đó và biến chúng thành những kế hoạch hành động cụ thể. Nếu những kế hoạch của bạn lớn và toàn diện, nhìn chung bạn phải thuyết phục được những người khác hợp tác với bạn để có thể tổ chức những kiến thức đó thành sức mạnh./.

(Nguồn: Bài viết của Phan Ngọc Lợi tại hoinhap.vietnam.vn)