Chúng ta đã thảo luận về việc niềm tin của bạn ảnh hưởng đến nhận thức, quyết định và do đó, hành động của bạn như thế nào. Tuy nhiên, có một điều mà có lẽ ít ai ngờ tới, đó là niềm tin của bạn còn mạnh mẽ đến mức có thể can thiệp vào cơ chế sinh học của bạn.

Đúng thế, niềm tin của bạn có thể tác động đến nguồn năng lượng và trạng thái cơ thể. Đó chính là kết quả rút ra được từ các nghiên cứu về Hiệu ứng Placebo (Hiệu ứng thuốc trấn an).

Vào những năm 1950, các bác sĩ muốn tìm hiểu xem liệu niềm tin của một bệnh nhân về tác dụng của một loại thuốc có thật sự tạo ra sự khác biệt trong hiệu quả chữa bệnh mà loại thuốc này mang lại cho bệnh nhân đó hay không.

Trong một đợt thử nghiệm, các bác sĩ đưa cho bệnh nhân những viên thuốc đường (không có gì ngoài đường bỏ trong vỏ bao con nhộng) và bảo rằng khi uống thuốc này, họ sẽ hết cảm sốt, nhức đầu. Thật đáng ngạc nhiên, các bệnh nhân tin theo lời bác sĩ và những viên thuốc đường trở nên hiệu nghiệm trong việc trị bệnh gần như ngang với thuốc chữa bệnh thật. Nghiên cứu Placebo này chứng tỏ rằng niềm tin của bạn đúng là có thể kích hoạt các hóa chất trong cơ thể bạn và giúp bạn khỏi bệnh.

Đâu đã hết, các nhà khoa học còn chứng minh rằng, niềm tin của bạn thậm chí có thể “đánh bại” được những hiệu ứng hóa học trong cơ thể bạn.

Trong một cuộc nghiên cứu về việc này, 100 sinh viên y khoa được chia làm hai nhóm. Người ta đưa cho nhóm đầu tiên các viên thuốc màu đỏ có dán nhãn “thuốc kích thích”. Thật ra, những viên thuốc màu đỏ có chứa chất barbiturate (một loại thuốc an thần). Ngược lại, nhóm thứ hai nhận được những viên thuốc màu xanh và được cho biết đó là thuốc an thần, trong khi đó là những viên thuốc kích thích khá mạnh.

Kết quả nghiên cứu khiến người ta phải giật mình. 50% sinh viên uống thuốc màu đỏ và màu xanh có phản ứng cơ thể đúng với những gì họ nghĩ là tác dụng của viên thuốc họ vừa uống. Những sinh viên uống thuốc màu đỏ báo cáo là họ cảm thấy cực kỳ tỉnh táo và hưng phấn, mặc dù họ vừa uống thuốc an thần. Những sinh viên uống thuốc màu xanh lại cảm thấy uể oải, buồn ngủ mặc dù họ vừa uống thuốc kích thích.

Tại sao lại có chuyện ngược đời như thế? Một phân nhánh mới trong ngành thần kinh tâm lý học được gọi là Học Thuyết Của Sự Trông Đợi đã khám phá rằng, mỗi suy nghĩ, niềm tin và mong ước của bạn có thể là nhân tố làm thay đổi tế bào, mô và cơ quan nội tạng của bạn, dẫn đến việc cơ thể bạn chống lại được tác dụng thật sự của thuốc.

Từ các kết quả nghiên cứu trên, để bảo đảm chất lượng thuốc, mỗi loại thuốc  mới  tạo  ra  ngày  nay  phải  được  đưa  vào  kiểm  nghiệm  Hiệu  ứng Placebo trước khi được America FDA (Federal Drug Administration) – Liên bang quản lý thuốc của Mỹ – phê chuẩn.

Lý do là vì, nếu cả đến một loại thuốc “giả” cũng có thể chữa được bệnh (tùy thuộc vào niềm tin của bệnh nhân), thì cách duy nhất để biết chắc chắn một loại thuốc có hiệu nghiệm thật sự hay không là loại thuốc đó phải giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn một viên thuốc Placebo.

Điều đáng bàn tới ở đây là để chứng thực một loại thuốc có hiệu nghiệm hay không, nó chỉ cần vượt qua được tác dụng của một viên thuốc Placebo khoảng vài phần trăm. Thế mới thấy tác động mạnh mẽ của niềm tin lên cơ chế sinh học của con người.

Ông Wright – sống  và chết…  tùy thuộc vào niềm tin của ông

Trong quyển sách “Chữa bệnh bằng tư tưởng” (The Psychobiology of Mind Body Healing), Tiến sĩ Ernest Rossi trình bày một trường hợp có thật gây chấn động, chứng minh rằng niềm tin về thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con người (một cách tích cực và tiêu cực) như thế nào. Đó là câu chuyện về ông Wright, người bị bệnh ung thư bạch huyết di căn, với tên khoa học là Lymphosarcoma. Bệnh của ông nặng đến mức mọi biện pháp chữa trị thông thường đều tỏ ra vô hiệu với những khối u to bằng trái cam hiện diện khắp cổ, háng, ngực và bụng. Trong giai đoạn ung thư cuối, ống dẫn ở ngực ông bị tắc và vì thế mà cứ cách ngày, khoảng 1-2 lít chất lỏng phải được hút ra khỏi ngực ông. Ông còn thường xuyên phải thở bằng mặt nạ ôxy.

Lúc ấy người ta đưa vào thử nghiệm một loại thuốc chống ung thư tên là Krebiozen. Ông Wright không đáp ứng đủ tiêu chuẩn xin thử nghiệm thuốc, bởi vì theo chuẩn đoán, ông chỉ còn sống chưa đầy hai tuần, trong khi bệnh nhân thử nghiệm cần phải sống thêm ít nhất từ ba đến sáu tháng. Tuy nhiên, ông Wright tin tưởng vào tác dụng chữa bệnh của loại thuốc này nên liên tục đề nghị các bác sĩ cho ông cơ hội được thử nghiệm. Cuối cùng, bác sĩ trị liệu của ông, bác sĩ Philip West, quyết định “phá lệ” và cho ông dùng thuốc.

Theo luật, bệnh nhân thử nghiệm cần được tiêm thuốc ba lần mỗi tuần và ông Wright đã được tiêm liều đầu tiên vào ngày thứ sáu. Khi bác sĩ Philip quay lại vào ngày thứ hai, ông nghĩ là bệnh nhân của mình đang nằm trên giường như thường lệ. Không tin vào mắt mình, vị bác sĩ nhìn thấy ông Wright đang đi qua đi lại trong phòng bệnh và nói chuyện với những người xung quanh. Ngay lập tức, bác sĩ kiểm tra những bệnh nhân khác cùng thử nghiệm thuốc nhưng không thấy bất kỳ sự thay đổi nào, thậm chí một số bệnh nhân còn trở bệnh nặng hơn.

Thật kỳ lạ, chỉ có ông Wright là thể hiện những tiến triển rõ rệt. Kiểm tra kỹ hơn, bác sĩ Philip còn phát hiện rằng các khối u của ông đã teo nhỏ lại còn phân nửa chỉ trong vòng vài ngày. Bác sĩ tiếp tục cho ông dùng thuốc và sau mười ngày, ông Wright được xuất viện, hít thở không khí bình thường như những người khác và hoàn toàn bình phục.

Trường hợp không thể tin được này xảy ra ngay trong giai đoạn đầu thử nghiệm thuốc Krebiozen. Tuy nhiên, trong vòng hai tháng, tất cả các bệnh viện đều báo cáo rằng các bệnh nhân thử nghiệm thuốc đều không có dấu hiệu bình phục, rằng Krebiozen có thể không mang lại hiệu quả trong việc chữa bệnh ung thư như người ta mong đợi.

Khi ông Wright biết về kết quả thử nghiệm này, ông bắt đầu mất đi niềm tin. Sau hai tháng gần như hoàn toàn khỏe mạnh, ông lại rơi vào tình trạng ban đầu và trở nên cực kỳ khốn khổ. Bệnh ung thư của ông tái phát và ông phải nhập viện trở lại.

Lần này, các bác sĩ muốn tìm hiểu xem, liệu việc ông Wright khỏi bệnh một cách thần kỳ trước đó có phải là kết quả của “Hiệu ứng Placebo” hay không. Do đó, bác sĩ nói dối ông là thuốc Krebiozen đã được cải biến với công thức hóa học mạnh gấp đôi sẽ được chuyển về bệnh viện trong nay mai. Ngay lập tức, khi nghe tin này, ông Wright lấy lại sự lạc quan và niềm tin vào việc khỏi bệnh.

Ngày hôm sau, bác sĩ tiêm thuốc với công thức mới “mạnh gấp đôi” cho ông. Thật ra, bác sĩ chỉ tiêm nước tinh khiết vào người ông mà thôi. Lần này, ông khỏi bệnh còn nhanh cấp kỳ hơn cả lần đầu. Các khối u nhanh chóng tan biến, chất lỏng trong ngực biến mất, ông hồi phục hoàn toàn và lại được ra viện. Ông sống khỏe mạnh và không có triệu chứng ung thư trong hai tháng trọn vẹn.

Vào thời điểm này, American Medical Association (AMA) – Hiệp hội Y tế Mỹ – chính thức thông báo cho giới truyền thông rằng “các cuộc thử nghiệm toàn quốc chứng tỏ thuốc Krebiozen vô dụng trong việc chữa bệnh ung thư”. Trong vòng vài ngày sau thông báo này, ông Wright nhập viện trở lại. Niềm tin trong ông hoàn toàn biến mất và chưa đầy hai ngày sau, ông ra đi vĩnh viễn. Một kết thúc buồn nhưng lại là một bài học có giá trị về niềm tin, phải không các bạn?

(Nguồn: trích sách “Làm chủ tư duy, Thay đổi vận mệnh” của tác giả Adam Khoo)