Bạn có biết rằng enzyme đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của chúng ta. Khi nguồn enzyme trong cơ thể cạn kiệt sự sống cũng sẽ kết thúc (chết). Vậy, tại sao chúng lại quan trọng đến thế?

ENZYME LÀ GÌ?

Enzyme là tên gọi chung cho các chất xúc tác sinh học có thành phần cơ bản là protein, được tạo thành từ các tế bào sinh vật. Dù là thực vật hay động vật, nơi nào tồn tại sự sống chắc chắn sẽ tồn tại enzyme. 

Enzyme tham gia vào tất cả các hoạt động thiết yếu để duy trì sự sống như tổng hợp, phân giải, vận chuyển các chất, đào thải, thải độc, cung cấp năng lượng….

Cơ thể chúng ta có thể tạo ra hai loại enzyme chính là loại enzyme tiêu hóa và enzyme chuyển hóa. Các loại enzyme tiêu hóa hóa (bao gồm 5 loại: Protease, Amylase, Lactase, Cellulase, Lipase) được tiết ra trong tuyến nước bọt, dạ dày, tuyến tụy và ruột non giúp cơ thể tiêu hóa thực phẩm. Trong khi đó, các loại enzyme chuyển hóa sản sinh trong các tế bào, giúp cơ thể tổng hợp năng lượng và sử dụng năng lượng. Những năng lượng này rất quan trọng cho cơ thể vì chúng sẽ giúp chúng ta suy nghĩ, hít thở, chuyển động… Trong cơ thể, enzyme được tạo ra từ một số dạng tế bào và sự tạo ra enzyme cũng đòi hỏi một số năng lượng.

Ngày nay, enzyme đang được biết tới như là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Các enzyme cần thiết cho việc duy trì sự sống hàng ngày được hình thành ngay trong tế bào của cơ thể sống. Các nhà khoa học đã và đang tiến hành rất nhiều nghiên cứu để tìm hiểu về Enzyme nhưng vẫn còn nhiều điều chưa thể giải đáp. Chỉ biết rằng, bản thân sinh vật luôn tự sản sinh ra rất nhiều enzyme để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, nhưng đến nay người ta vẫn chưa giải thích được cơ chế hình thành enzyme trong các tế bào.

Cơ thể con người chúng ta có hơn 5.000 loại enzyme, chúng mang đến 25.000 tác dụng khác nhau. Mọi hoạt động trong cơ thể như tiêu hóa, hấp thụ, thậm chí ngay các cử động chân tay hay suy nghĩ cũng đều được điều khiển bởi enzyme.

Về cơ bản, cơ chế hoạt động của Enzyme trong cơ thể được thể hiện qua công thức sau:

E + S → ES → P + E

Trong công thức này: E là Enzyme – Đóng vai trò là chất xúc tác; S là cơ chất (Substrate) – Các hoạt chất chịu tác động của Enzyme, ES là phức hợp Enzyme – Cơ chất, P là sản phẩm (Product).

Theo công thức trên, cơ chế hoạt động (xúc tác) của enzyme trải qua 3 giai đoạn:

– Giai đoạn thứ nhất: Enzyme kết hợp với cơ chất bằng liên kết yếu tạo thành phức hợp Enzyme – Cơ chất (ES) không bền nhờ hình thành nhiều liên kết đặc biệt là liên kết hydrogen. Sự liên kết này làm thay đổi cấu hình không gian của cơ chất làm thay đổi động năng cũng như thế năng, kết quả là làm cho phân tử cơ chất trở nên linh hoạt hơn, nhờ đó tham gia phản ứng dễ dàng.

– Giai đoạn thứ hai: Xảy ra sự biến đổi cơ chất dẫn tới sự kéo căng và phá vỡ các liên kết đồng hóa trị tham gia phản ứng.

– Giai đoạn thứ ba: Enzyme xúc tác lên cơ chất tạo thành sản phẩm, còn enzyme được giải phóng ra dưới dạng tự do.

CHUYỆN GÌ XẢY RA NẾU CƠ THỂ THIẾU HỤT ENZYM VÀ LÀM SAO ĐỂ SỐNG LÂU, SỐNG KHỎE MẠNH?

Chuyện gì xảy ra nếu cơ thể thiếu hụt enzyme?

Như đã nói ở trên, mọi hoạt động trong cơ thể chúng ta đều có sự tham gia của enzyme. Do đó, sự thiếu hụt enzyme sẽ khiến chúng ta gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Sự thiếu hụt các loại enzyme tiêu hóa sẽ làm giảm hoặc vô hiệu hóa sự phân giải thực phẩm thành những loại đường đơn, các axít amino và các axít béo vốn có nhiệm vụ tạo năng lượng cho cơ thể, do đó nó gây ra sự mệt mỏi, thiếu sức sống.

Các nhà khoa học Hà Lan đã công bố một bản nghiên cứu được đăng trên chuyên san Medical Hypotheses từ năm 2000, theo đó, sự thiếu hụt enzyme sẽ gây ra các triệu chứng mệt mỏi kinh niên và đề nghị những bệnh nhân bị mắc chứng mệt mỏi kinh niên cần được xét nghiệm, chẩn đoán xem họ có bị thiếu hụt enzyme hay không.

Ngoài mệt mỏi kinh niên, sự thiếu hụt enzyme còn dẫn đến những hệ lụy khác cho sức khỏe, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu, đầy hơi, táo bón, nhức đầu, các rối loạn về ruột, xơ vữa động mạch, cholesterol cao, yếu cơ và nguy hiểm nhất là sự suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Tiến sỹ Edward Howell, nhà nghiên cứu enzyme hàng đầu tại Mỹ cho rằng thiếu hụt enzyme chuyển hóa là nguyên nhân chính dẫn đến phần lớn chứng bệnh như bệnh tim mạch, bệnh ung thư, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác.

Làm sao để sống lâu, sống khỏe mạnh?

Tiến sỹ Edward Howell cho rằng các sinh vật (bao gồm cả con người) trong suốt thời gian sống chỉ có một số lượng enzyme nhất định. Ông gọi các enzyme trong cơ thể vốn có số lượng nhất định này là “enzyme tiềm năng”. Thời điểm các sinh vật dùng hết các enzyme tiềm năng này cũng là lúc cuộc đời sinh vật kết thúc.

Giáo sư, bác sĩ Hiromi Shinya (Giáo sư chuyên ngành phẫu thuật Đại học Y Albert Einstein, Trưởng khoa nội soi Bệnh viện Beth Israel) – Tác giả bộ sách nổi tiếng – Nhân tố Enzyme cũng có quan điểm gần giống như trên. Ông gọi các enzyme được hình thành trong cơ thể là các “Enzyme diệu kỳ”. Enzyme diệu kỳ nghĩa là các enzyme nguyên mẫu được sinh ra trong cơ thể, nó có khả năng trở thành bất cứ loại enzyme nào trước khi chuyển hóa thành một loại enzyme thực hiện chức năng chuyên biệt. Giáo sư Hiromi Shinya khẳng định rằng, nếu muốn sống lâu và sống khỏe mạnh thì cách tốt nhất là không tiêu tốn các “Enzyme diệu kỳ”.

LÀM SAO ĐỂ KHÔNG TIÊU TỐN CÁC ENZYME DIỆU KỲ?

Trong cuốn sách Nhân tố Enzyme – Phương thức sống lành mạnh, Giáo sư Hiromi Shinya đã hướng dẫn độc giả cách “tiết kiệm” các enzyme diệu kỳ.Phương pháp ông đưa ra chính là chế độ ăn uống lành mạnh. Ông chỉ ra rằng, ngoài hơn 5.000 enzyme có trong cơ thể, con người chúng ta có thể bổ sung enzyme cho cơ thể thông qua các thực phẩm.

Giáo sư khuyên chúng ta nên lựa chọn một khẩu phần ăn như sau: 85-90% là thực vật (50% là ngũ cốc như gạo, đậu nguyên hạt; 30% là rau xanh và củ; 5-10% là trái cây và hạt), 10-15% là protein động vật (cá, trứng, sữa đậu nành, một lượng giới hạn thịt gia súc và gia cầm). Nên bổ sung thêm các loại trà thảo mộc, tảo biển, men bia, phấn và sáp ong, vitamin và khoáng chất bổ sung. Ông nhấn mạnh, cần sử dụng các thực phẩm tươi sống và mới nhất bởi đó là trạng thái thực phẩm chứa nhiều enzyme nhất.

Giáo sư, Bác sĩ Hiromi Shinya và bộ sách nổi tiếng mang tên Nhân tố Enzyme

Theo luận điểm được Giáo sư Hiromi Shinya đưa ra trong cuốn Nhân Tố Enzyme – Thực hành, khi một bộ phận nhất định trong cơ thể tiêu hao một lượng lớn các enzyme chuyên biệt thì tại các bộ phận khác trong cơ thể lại xuất hiện tình trạng thiếu enzyme. Giáo sư Hiromi Shinya cũng chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, trong cơ thể, hoạt động tiêu tốn enzyme nhiều nhất chính là quá trình “giải độc”. Chính vì thế, người nào giải độc càng nhiều thì lại càng tiêu tốn nhiều enzyme. Kết quả là cơ thể sẽ thiếu hụt enzyme để duy trì sức khỏe và dễ mắc bệnh hơn.

Cơ quan thực hiện chức năng giải độc trong cơ thể chính là gan. Khi gan hoạt động hết công suất sẽ cần đến rất nhiều enzyme, khi đó, cơ thể tự động lấy enzyme từ các bộ phận khác để thực hiện chức năng giải độc. Lượng độc tố quá nhiều có thể khiến gan “mệt mỏi” và bị tổn thương. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến chúng ta hiểu tại sao nếu gan bị tổn thương hoặc phải làm việc hết công suất thì khiến cơ thể chúng ta cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống.

Chính thói quen ăn uống hiện đại như nấu quá kỹ, thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, các thực phẩm có chứa thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản hay thói quen uống rượu bia, thuốc lá, môi trường sống độc hại, căng thẳng…. chính là các yếu tố khiến gan phải làm việc liên tục và hết công suất để giải độc và đương nhiên sẽ tiêu tốn một lượng enzyme lớn của cơ thể.

Như vậy, có thể nói một cách dễ hiểu rằng, để sống lâu, sống khỏe mạnh chúng ta cần sử dụng “tiết kiệm” các “enzyme diệu kỳ” hay còn gọi là enzyme dự trữ của cơ thể. Để có thể “tiết kiệm” các enzyme dự trữ cần thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu enzyme, hạn chế các thực phẩm chứa các chất độc hại để hạn chế quá trình giải độc. Bên cạnh đó có thể sử dụng các sản phẩm có chứa các enzyme tiêu hóa để hỗ trợ quá trình phân giải và hấp thu, giải độc, giảm bớt gánh nặng cho gan.