Đại võ sư cao cấp Ngô Sỹ Quý sinh ngày 22/10/1922 tại Hà Nội và từ biệt chúng ta vào một ngày giáp Tết Bính Tý (năm 1997). Ông được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam truy phong Danh hiệu ĐẠI VÕ SƯ môn phải Vĩnh Xuân vào năm 2017 vì những cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam.

Cuộc đời 75 năm cùa ông có thể chia làm 3 thời kỳ:

  1. Thời niên thiếu – hình thành nhân cách từ âm nhạc và võ thuật (1922 – 1945)
  2. Người chiến sỹ – Vệ Quốc quân và sự dấn thân trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc (1945-1956)
  3. Khát vọng cháy bỏng và những đóng góp to lớn cho việc giữ gìn, truyền bá, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam và Thủ đô Hà Nội (1956 – 1997).

I. Thời niên thiếu hình thành nhân cách từ âm nhạc và võ thuật (1922 -1945)

Đại võ sư Ngô Sỹ Quý tuổi Tuất, ở ông hội đủ các đức tính: ngay thẳng – thật thà – cương trực – giàu nghị lực – không vì tiền tài, địa vị mà quên đi phẩm giá của con người mình – hết lòng vì mọi người, đồng thời rất tài hoa, khéo léo và quyết đoán.

Ông là người mẫn cảm cao với cái đẹp của nghệ thuật, trước hết là âm nhạc (ông sớm gắn bó với cây đàn Violin với các bản nhạc Tây phương) và đặc biệt là cái đẹp trong đạo lý và kỹ thuật quyền cước cùa môn võ mà ông đã tiếp nhận trực tiếp từ Sư tổ Vĩnh Xuân Quyền Việt Nam Nguyễn Tế Công trong quãng thời gian 6 năm (1939-1945).

Kết hợp những đức tính bẩm sinh người tuổi Tuất với hai yếu tố khách quan nói trên đã hình thành nên triết lý và nhân cách sống cao đẹp của Võ sư Ngô Sỹ Quý. Nó được thể hiện qua hai câu nói ông thường răn dạy học trò lúc sinh thời:

  1. “NHIỄU XẠ Tự NHIÊN HƯƠNG” Khiêm nhường, không khoa trương, không tự phụ cho mình là giỏi hơn người để thu phục người ta.
  2. “TRÊN ĐẰU TA CHỈ CÓ CHÍNH NGHĨA MÀ THÔI” ngay thẳng, cương trực, không khuất phục cường quyền, làm chủ bản thân để tự tin vào chính mình.

II. Người chiến sỹ Vệ Quốc quân dấn thân trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc (1945 -1956)

Cách mạng Tháng 8/1945 đã thay đổi tư duy-và hành động của Ngô Sỹ Quý. Đáp lời kêu gọi của Tổ quốc, với lòng yêu nước nồng nàn ông đã quyết định lựa chọn cho mình con đường tham gia cùng Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội và sau đó gia nhập Vệ Quốc đoàn trờ thành người lính của Trung Đoàn Thủ Đô với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Để tiếp tục con đường đó, ông đã có một quyết định hết sức khó khăn là cáo lỗi lời mời của cụ Tế Công theo Cụ vào Nam để tránh chiến tranh đang lan rộng (lúc đó là đầu năm 1947) dù “ Tình Thầy – Trò” vốn rất cao cả trong Võ thuật. Từ đó Ngô Sỹ Quý đã có những ngày tháng tự hào trực tiếp cầm súng đánh giặc trong đội hình của Sư đoàn 308.

Cho đến năm 1949 một bước ngoặt lớn trong cuộc đời: Ông được điều động sang làm cán bộ phụ trách Thiếu sinh quân của Đại đoàn 308, để từ đó bước chân vào mặt trận mới với tư cách là một Nhà sư phạm (Quản lý và giáo dục thanh thiếu niên) và gắn bó với nó đến cuối đời. Từ năm 1950-1956 ông là giáo viên âm nhạc của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam đóng tại Nam Ninh – Quảng Tây, Trung Quốc (gọi là Khu học xá Nam Ninh). Cũng chính những năm sống ở đây được tiếp xúc với giới võ thuật Trung Quốc ông đã nhận ra môn võ thuật mà ông được cụ Tế Công chuyền dạy chính là Vĩnh Xuân Quyền đang được đánh giá rất cao trong giới Võ thuật Trung Quốc (mệnh danh là Quyền trên Quyền). Lúc đó ông nung nấu khát vọng sau này sẽ truyền bá môn võ này đến với thế hệ trẻ Việt Nam nhằm: “nâng cao thể chất và tri thức sống cho thế hệ thanh niên Việt Nam bằng cái đẹp cùa Vĩnh Xuân quyền”.

Năm 1956, thầy Ngô Sỹ Quý về nước công tác tại Vụ Sư phạm Bộ Giáọ dục trong vai trò cán bộ nghiên cứu và chi đạo lĩnh vực Văn – Thể – Mỹ. Trong thời gian từ 1959- 1965, ông bắt đầu việc tìm hiểu, chuẩn bị các tư liệu để thực hiện khát vọng truyền bá Vĩnh Xuân Quyền cho thế hệ trẻ Việt Nam.

III. Khát vọng cháy bỏng và những đóng góp to lớn cho việc giữ gìn, truyền bá, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam và Thủ đô Hà Nội” (1956-1997)

Sinh thời Thầy Ngô Sỹ Quý quan niệm “Cái khắc nghiệt nhất trong cuộc đời là thời gian” và ông đã phải chạy đua với thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng và phát triển rồi hệ thống lại những tinh hoa của Vĩnh Xuân Quyền, ông đã phải bền bỉ dành toàn bộ tâm trí và sức lực để thực hiện công việc trong 3 giai đoạn:

1. Tìm hiểu thêm để rút ra kết luận đủ hơn về Nguyễn Tế Công và di sản Cụ để lại cho giới Võ thuật Hà Nội (cuối những năm 50)

2. Sưu tầm, ôn luyện và củng cố lý luận cho kiến thức võ thuật của mình (đầu những năm 60).

3. Tổng kết Vĩnh Xuân Quyền và hiện thực hóa việc giữ gìn, truyền bá, phát triển Vĩnh Xuân Quyền cho thanh thiểu niên Việt Nam góp phần làm phong phú cho Võ cỗ truyền Việt Nam và công tác giáo thể chất tại Thủ đô Hà Nội.

Bằng sự kiên trì theo đuổi khát vọng của mình ông đã bền bỉ bắt đầu quá trình này từ truyền dạy cho lớp con cháu trong gia đình (khoảng 1967-1968) rồi mở rộng dần cho nhiều thế hệ thanh niên 5x, 6x,7x và chính họ sau này đã làm rạng danh tên tuổi của Ông. Trong buổi Tọa đàm tưởng nhớ 20 năm ngày Danh sư Ngô Sỹ Quý qua đời, nhiều thế hệ học trò đã nói lên cảm nhận về Thầy Ngô Sỹ Quý như sau:

Ông là một người Việt Nam giàu lòng yêu trân trọng là con người sống khép kín, không thích khoa trương, không vỗ ngực tự phụ, ưa khẳng khái, không sợ cường quyền.

võ sư Trần Việt Trung

Ông là con người có sức thuyết phục lôi cuốn người khác mãnh liệt. Đối với ông, dạy võ không phải là dạy đấm đá (đó là võ biền) mà là dạy cái triết lý làm người, đề cao sự nhận thức từ đó mà giác ngộ hiểu lẽ phải để hành động cho đúng, cho tốt.

võ sư Nguyễn Tiến Long

Thầy Ngô Sỹ Quý là người cẩn trọng trong tuyển chọn học trò. Ông luôn tìm hiểu kỹ tính cách tư chất từng người để từ đó có cách truyền dạy hiệu quả nhất, ông là người thầy có nhân cách lớn hiếm có.

võ sư Nguyễn Nam Vinh

Tu thân để làm chủ được mình, để tự tin vào chính mình trong mọi trường hợp. Ngô Sỹ Quý là tấm gương sáng về nhân cách cho chủng ta noi theo.

Võ Ngọc Đạm

Có thể còn nhiều nhiều nữa những kỷ niệm những ký ức sâu đậm trong tâm trí mỗi thế hệ, mỗi môn đệ đã từng được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp nhận sự dạy dỗ cùa Thầy Ngô Sỹ Quý và có cả những câu chuyện truyền miệng về Thầy Ngô Sỹ Quý (nhất là về các nội dung võ thuật như kỹ năng phi tiêu, đoản côn, dao quai, ngoại khí, nội khí v.v…).

(trích từ bài phát biểu của Ông Hoàng Quốc Lập trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy Ngô Sĩ Quý, 22.10.2022)