Enzyme bao gồm các axit amin, là đơn vị cấu trúc của protein, cũng như các đồng yếu tố là vitamin và khoáng chất. Nếu bạn tưởng tượng các axit amin là các liên kết trong một chuỗi, thì phân tử protein là toàn bộ chuỗi. Trong một tế bào, khoảng 20 axit amin có thể được cấu hình thành các tổ hợp, thứ tự và số lượng khác nhau để tạo ra từng loại enzyme cụ thể.

Có ba loại enzyme chính: hệ thống (hoặc chuyển hóa); tiêu hóa và thực phẩm. Cơ thể chúng ta tạo ra các enzyme tiêu hóa và enzyme hệ thống, trong khi các enzyme thực phẩm – như tên gọi của chúng – đến từ những gì chúng ta ăn.

Enzyme hệ thống: Cho sức khỏe tế bào và hơn thế nữa

Phần lớn các enzyme được sản xuất bởi cơ thể là các enzyme hệ thống, có nhiệm vụ duy trì máu, mô và các cơ quan. Chúng đảm bảo rằng tim đập đều đặn, các cơ co giãn đúng cách và các giác quan (bao gồm cả thị giác và thính giác) luôn nhạy bén. Chúng loại bỏ cholesterol LDL xấu trong máu, sản xuất và cân bằng nội tiết tố, đồng thời cung cấp chất dẫn truyền thần kinh hỗ trợ trí nhớ và tâm trạng.

Hơn nữa, các enzyme hệ thống đang hoạt động trong mọi tế bào của cơ thể bạn. Chúng không chỉ hỗ trợ sự phát triển và sửa chữa tế bào mà còn giúp chuyển hóa carbohydrate, protein và lipid thành nhiên liệu cho tế bào. Các enzyme hệ thống thậm chí còn làm một số công việc “dọn dẹp nhà cửa”, loại bỏ các vật chất cũ nát hay chính là việc đào thải độc tố trong cơ thể để giúp các tế bào được làm sạch và khỏe mạnh.

Trong điều kiện tốt nhất, cơ thể bạn có thể tạo ra tất cả các enzyme hệ thống cần thiết. Nhưng nếu nó phải sử dụng hết lượng dự trữ của mình (thường là để sản xuất các enzyme tiêu hóa), nó sẽ không thể tự chữa lành hoặc tái tạo một cách hiệu quả. Đây là lúc việc bổ sung các enzyme hệ thống một cách thích hợp sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Nếu không, bệnh mãn tính – kết quả của việc sửa chữa mô không hiệu quả – có thể hình thành.

Việc bổ sung enzyme hệ thống nên được phân biệt rõ ràng với các chất bổ sung enzyme tiêu hóa. Các enzyme hệ thống nhắm vào các mô cụ thể để kích hoạt tiềm năng tự chữa lành của cơ thể.

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận tính an toàn và hiệu quả của các enzyme hệ thống. Không chỉ là lựa chọn thay thế tự nhiên cho các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen, các enzyme hệ thống còn bù đắp cho việc sản xuất enzyme trong cơ thể bị suy giảm do quá trình lão hóa. Vì lý do này, các enzyme hệ thống thường là một thành phần quan trọng của chế độ bổ sung chống lão hóa.

Liệu pháp điều trị bằng enzyme hệ thống – ban đầu được phát triển bởi Bác sĩ Wolf – là cung cấp đủ lượng enzyme đưa vào máu một cách nguyên vẹn. Khi đó, chúng có thể di chuyển đến các mô và sau đó đến các tế bào hiện có. Với một lượng đầy đủ, các enzyme hệ thống hoạt động linh hoạt như là nhân tố trị liệu. Chúng có thể tăng cường phản ứng miễn dịch, chống lại độc tính, kháng viêm, chống nhiễm trùng, giảm sưng đau, cải thiện tuần hoàn và kích thích các quá trình hoạt động enzyme của co thể. Vì hầu hết mọi căn bệnh và rối loạn đều liên quan đến một hoặc nhiều quá trình này, nên liệu pháp enzyme hệ thống có hiệu quả đối với một loạt các vấn đề về sức khỏe. Nó cũng có thể giúp thuốc hoạt động tốt hơn. Đó là một cách tiếp cận toàn diện để cơ thể tự chữa lành.

Trong số các enzyme hệ thống, các chất bổ sung được kê đơn phổ biến nhất là những chất thuộc họ protease. Như thuật ngữ protease cho thấy, mục tiêu của các enzyme này là protein. Cụ thể, protease có thể cắt và phân giải các protein chẳng hạn như những protein vón cục gây ra các tình trạng sưng viêm khớp. Ví dụ, khi sụn bảo vệ trong khớp xấu đi – thường là do bị kích thích quá mức từ chuyển động lặp đi lặp lại hoặc chấn thương trong quá khứ – viêm cục bộ tăng lên. Điều này dẫn đến sưng và đau làm cản trở khả năng vận động của khớp và có thể gây tàn tật nghiêm trọng. Trái ngược với các thuốc NSAID (về cơ bản che giấu các triệu chứng và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa khớp), thì các enzyme hệ thống thúc đẩy quá trình chữa lành bằng cách chống lại phản ứng viêm, giúp tiêu viêm. Enzyme cũng giúp ích trong trường hợp protein kích hoạt phản ứng miễn dịch, từ đó thúc đẩy quá trình viêm sau đó sẽ chữa lành. Đây là một cách tiếp cận an toàn, thông minh, không tốn kém để giảm đau khớp.

Thật bất ngờ, các enzyme hệ thống có một vai trò nhất định trong y học thông thường. Các bác sĩ thường sử dụng các enzyme làm tan cục máu đông để điều trị một số loại đột quỵ. Một ví dụ là streptokinase, thuộc nhóm thuốc được gọi là thuốc tiêu sợi huyết. Chúng phá vỡ fibrin (thành phần chính của cục máu đông), giúp làm tan cục máu đông và cải thiện tuần hoàn. Người Nhật đã sử dụng một liệu pháp tương tự từ gần 1.000 năm trước – liên quan đến nattokinase, một loại enzyme được chiết xuất từ thực phẩm truyền thống của Nhật Bản được gọi là natto và sau đó được tinh chế. Giống như streptokinase, nattokinase giúp làm tan cục máu đông hiện có và tăng cường sản xuất các chất làm tan cục máu đông trong cơ thể.

Enzyme tiêu hóa: Nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu

Câu nói “Bạn là những gì bạn ăn” chỉ đúng một phần. Sự thật là bạn là những gì bạn tiêu hóa. Chúng ta không thể mong đợi được khỏe mạnh nếu hệ tiêu hóa của chúng ta không hoạt động bình thường. “Enzyme rất cần thiết cho một hệ tiêu hóa và cơ thể khỏe mạnh vì chúng giúp chuyển hóa thức ăn chưa tiêu hóa thành chất dinh dưỡng”. – Bác sĩ Edward Howell, tác giả cuốn sách “Sức mạnh của Dinh dưỡng với Enzyme”.

Các enzyme tiêu hóa hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng và đưa các chất dinh dưỡng đó đi khắp cơ thể. Các enzyme tiêu hóa được biết đến nhiều nhất được tiết từ tuyến tụy vào ruột non, nơi mỗi loại chịu trách nhiệm phân giải một hợp chất cụ thể. Phổ biến nhất trong số các enzyme này là amylase – xử lý carbohydrate; protease – xử lý protein; và lipase – xử lý chất béo.

Khi thức ăn chứa đủ lượng enzyme, quá trình tiêu hóa sẽ bắt đầu ngay từ miếng ăn đầu tiên. Nhai kỹ và trộn đều thức ăn với nước bọt sẽ kích hoạt một số enzyme thực hiện công việc của mình. Thật không may, việc nấu nướng đã phá hủy hầu hết enzyme. Hãy xem xét sữa, loại thực phẩm này phải xử lý ở nhiệt độ cao để tiêu diệt vi khuẩn. Quá trình này – được gọi là thanh trùng – cũng phá hủy phytase, một loại enzyme cho phép cơ thể hấp thụ và sử dụng canxi từ sữa. Nói cách khác, hoạt chất sinh học tự nhiên của canxi giảm đáng kể bởi nhiệt độ.

Khi thực phẩm cạn kiệt nguồn cung cấp enzyme, cơ thể bạn phải tự sản xuất enzyme để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Đây là một lựa chọn tốn kém, vì sản xuất enzyme tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nguồn tài nguyên vô giá của cơ thể. Vấn đề ở đây là nếu cơ thể chịu trách nhiệm cung cấp các enzyme trong nước bọt và trong dịch dạ dày, tuyến tụy và ruột, nó phải hạn chế sản xuất cho các mục đích khác. Do đó, các mô và cơ quan khác bao gồm não, tim, phổi, thận, gan và cơ không nhận được tất cả các enzyme mà chúng cần. Sự “tái định cư” của enzyme này và kết quả là sự thiếu hụt có thể tạo tiền đề cho bệnh tim, ung thư, tiểu đường và nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính khác.

Tương tự như vậy, việc tiêu hóa thức ăn không toàn diện có thể tạo tiền đề cho vô số các triệu chứng và tình trạng bệnh. Một lý do là cơ thể không nhận được chất dinh dưỡng ở dạng mà nó có thể sử dựng. Điều này lý giải rằng mặc dù bạn ăn uống đầy đủ nhưng cơ thể vẫn có thể bị thiếu dinh dưỡng. Hơn nữa, thức ăn không được tiêu hóa hấp thu có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch, vì hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể cố gắng tìm kiếm và tiêu diệt các phần tử thức ăn lạ.

Khi một bệnh nhân có dấu hiệu của một bệnh tự miễn, điều đầu tiên cần xem xét là liệu người đó có cạn kiệt enzyme tiêu hóa hay không. Nếu vậy, các phần tử thức ăn có thể tìm đường vào máu, cuối cùng cư trú trong các mô và cơ quan khác nhau. Khi hệ thống miễn dịch tấn công các phần tử lạ, nó làm cho cơ thể chống lại chính mình, tạo tiền đề cho bệnh tự miễn.

Nếu không được kiểm soát, chu kỳ tiêu hóa không hoàn chỉnh và phản ứng miễn dịch có thể dẫn đến hội chứng phản ứng chuyển hóa. Điều này dẫn đến một loạt các triệu chứng, bao gồm mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và khớp, trầm cảm và kém tập trung. Mặc dù cả carbohydrate và protein đều có thể gây ra rắc rối nếu chúng không được tiêu hóa đúng cách, nhưng nhiều bằng chứng lâm sàng cho thấy rằng carbohydrate có nhiều khả năng góp phần gây bệnh hơn. Một nhóm đặc biệt rắc rối là lectin (chất phi dinh dưỡng), có trong khoảng 30% thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến. Một số loại lectin chống lại quá trình tiêu hóa. Đối với một số người mắc chứng rối loạn này, việc bổ sung men tiêu hóa để hỗ trợ quá trình phân giải các chất này có thể là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Nhiều bệnh nhân hỏi liệu họ có thể ăn nhiều thực phẩm giàu enzyme thay vì uống sản phẩm bổ sung hay không. Mặc dù tất cả chúng ta đều muốn chuyển sang một thực đơn ăn uống lành mạnh hơn, nhưng chúng tôi khuyên bạn không nên chỉ dựa vào các nguồn thực phẩm.

Đầu tiên, như chúng tôi đã đề cập ở trên, nấu ăn làm cạn kiệt các enzyme trong thực phẩm, có nghĩa là cơ thể bạn phải sản xuất nhiều enzyme tiêu hóa hơn để giúp xử lý những gì bạn ăn.

Thứ hai, thực phẩm không phải là nguồn tập trung các enzyme. Ví dụ, các enzyme chịu trách nhiệm làm chín một loại trái cây hoặc rau quả. Khi quá trình hoàn tất, vòng đời của hầu hết các enzyme kết thúc. Một số thu về hạt giống, nơi chúng chờ đợi vòng đời bắt đầu lại, dưới dạng một mầm cây mới. Thật không may, chúng ta thường loại bỏ hạt.

Theo quan điểm của chúng tôi, hầu như tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung enzyme, ngay cả khi chúng ta không có vấn đề gì rõ ràng về tiêu hóa hoặc chủ yếu ăn thức ăn thô để bảo toàn hàm lượng enzyme. Các chất bổ sung không bao giờ bị lãng phí; bất kỳ enzyme nào mà cơ thể không thể sử dụng, nó sẽ phân giải thành các protein thành phần và các đồng yếu tố của chúng. Cơ thể chúng ta phụ thuộc vào sự tiêu hóa thích hợp để có đủ dinh dưỡng. Đáng buồn thay, tiêu hóa kém dẫn đến hấp thu kém đã trở thành loại bệnh phổ biến ở Mỹ. Mặc dù chúng ta dường như ăn nhiều hơn bao giờ hết, nhưng cơ thể chúng ta vẫn đói vì không nhận được chất dinh dưỡng cần thiết. Enzyme chính là giải pháp.

Enzyme thực phẩm: Lực lượng trợ giúp tiêu hóa đắc lực

Enzyme thực phẩm chỉ đến từ trái cây và rau tươi. Giống như các enzyme tiêu hóa, chúng cho phép cơ thể chúng ta tiêu hóa thực phẩm chúng ta ăn bằng cách phá vỡ các chất dinh dưỡng khác nhau gồm đường, tinh bột, protein, chất béo và chất xơ – thành các hợp chất nhỏ hơn có thể được hấp thụ. Enzyme thực phẩm rất quan trọng để duy trì sức khỏe toi ưu.

Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng thường hiểu rằng các enzyme thực phẩm sẽ bị phá hủy khi thức ăn đi vào dạ dày, vì nó nằm trong môi trường axit ít nhất 30 phút. Trên thực tế, có một khoảng thời gian ngưng trễ giữa giai đoạn tiêu hóa này và giai đoạn trước đó. Khi thức ăn rời khỏi thực quản, nó sẽ rơi vào phần trên cùng của dạ dày, nơi có rất ít axit, và ở đó trong khoảng 30 – 45 phút trước khi đi tiếp. Trong suốt thời gian đó, các enzyme vẫn tiếp tục làm công việc của chúng. Ngay cả khi thức ăn di chuyển đến phần dưới cùng của dạ dày thì các enzyme vẫn hoạt động cho đến khi mức axit trở nên mạnh nhất.

Vấn đề thực sự là chế độ ăn uống bình thường hiện nay của người Mỹ đang thiếu nghiêm trọng các enzyme thực phẩm. Như chúng tôi đã đề cập, bất kỳ hình thức chế biến hoặc nấu nướng nào bao gồm tiệt trùng, chiếu xạ, nướng bằng lò vi sóng và hấp đều phá hủy các enzyme tự nhiên có trong thực phẩm. Mặt khác, kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn, với sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và phân bón vô cơ, đã làm giảm đáng kể hàm lượng enzyme trong đất của chúng ta. Đất lành không chỉ giàu giun đất mà còn chứa nhiều enzyme, vitamin, khoáng chất và các vi sinh vật can thiết. Thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và phân bón vô cơ giết chết đất một cách triệt để, vì vậy bất kỳ loại thực phẩm nào phát triển trong đó đều bị cạn kiệt dinh dưỡng.

Nhiều nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra bằng chứng rằng thực phẩm được trồng hữu cơ giàu chất dinh dưỡng hơn nhiều so với các loại thực phẩm thương mại tương ứng. Thật hợp lý khi cho rằng chúng cũng sẽ giàu enzyme hơn. Tuy nhiên, ăn uống hữu cơ không phải là tất cả những gì chúng ta có thể làm để đảm bảo cung cấp đủ lượng enzyme. Việc nhai kỹ thức ăn cũng rất quan trọng. Các enzyme trong thực phẩm không thể thực hiện công việc của chúng trừ khi chúng ta nhai kỹ để phá vỡ thành tế bào và chất xơ bảo vệ các enzyme. Nhai là một phần thiết yếu của quá trình tiêu hóa. Gây trở ngại hơn nữa cho hoạt động của enzyme là chúng ta có thiên hướng phải sử dụng nhiều các loại thịt có hormone, bánh ngọt làm từ bột mì và đường tinh luyện, chất làm ngọt nhân tạo và chất béo nhân tạo, bao gồm chất béo chuyển hóa như bơ thực vật và dầu hydro hóa một phần. Tất cả những loại này khi đi vào cơ thể trở thành gánh nặng cho các hệ thống của cơ thể mà không cung cấp các enzyme và chất dinh dưỡng tương xứng với với giá trị thực phẩm của chúng.

Khi không có một chế độ ăn uống giàu enzyme, chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn cung cấp enzyme lẽ ra cần được bổ sung qua đường ăn uống. Hơn nữa, cơ thể chúng ta không thể tích trữ bất kỳ enzyme thực phẩm dư thừa nào để sử dụng sau này. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chọn thực phẩm hữu cơ bất cứ khi nào có thể và bổ sung enzyme một cách nhất quán. Điều này cũng lý giải sự xuất hiện đa dạng các sản phẩm enzyme trên thị trường và các khuyến nghị của chuyên gia để tăng cường chế độ ăn uống của chúng ta cho phù hợp.

Thời gian sống tỷ lệ thuận với tốc độ cạn kiệt tiềm lực enzyme của sinh vật. Việc tăng cường sử dụng các enzyme thực phẩm làm giảm tốc độ cạn kiệt tiềm lực enzyme. Hãy nghĩ theo cách này: Enzyme là “lực lượng lao động” xây dựng cơ thể, giống như công nhân xây dựng là lực lượng lao động xây dựng ngôi nhà của bạn. Bạn có thể có tất cả các vật liệu xây dựng và gỗ cần thiết, nhưng để xây một ngôi nhà, bạn cần những người thợ, đại diện cho yếu tố sự sống quan trọng. Tương tự, bạn có thể có tất cả các chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng bạn vẫn cần các enzyme – nhân tố sự sống – để duy trì sự sống cho cơ thể và khỏe mạnh – theo Bác sĩ Edward Howell, tác giả của Sức mạnh của Dinh dưỡng với Enzyme.

Bác sĩ Howell cũng lưu ý rằng mỗi chúng ta đều thừa hưởng một nguồn enzyme tiềm năng nhất định. Khi chúng ta không tạo ra đủ một số lượng enzyme nhất định và không bù đắp sự thiếu hụt thông qua chế độ ăn uống và bổ sung, cơ thể chúng ta sẽ gặp tình trạng thiếu hụt khi thực hiện các chức năng quan trọng. Các chức năng này từ từ thoái hóa vì các phản ứng hóa học do enzyme điều khiển mà chúng phụ thuộc vào đó không xảy ra một cách bình thường.

Thông thường, dấu hiệu đầu tiên của sự thiếu hụt enzyme là cảm giác khó chịu ở bộ phận tiêu hóa, có thể biểu hiện bằng chứng khó tiêu, đầy hơi, đi ngoài không đều, buồn nôn, ợ chua, đầy bụng, thèm ăn và nhạy cảm với thức ăn hoặc các phản ứng từ đau đầu đến chàm. Tuy nhiên, có nhiều triệu chứng khác – bao gồm cả những triệu chứng mà bạn không bao giờ nghĩ đến cũng có thể khởi phát do thiếu hụt enzyme. Có thể kể đến chứng viêm xoang, các vấn đề về cân nặng, rối loạn tự miễn dịch và nhiều bệnh khác.

Khi bệnh nhân khám phá ra những lợi ích tuyệt vời của liệu pháp enzyme, họ thường muốn biết tại sao nó không được công nhận và kê đơn rộng rãi hơn. Họ nói: “Nó đã thay đổi cuộc đời tôi. Tại sao tôi không nghe về nó sớm hơn? Tại sao bác sĩ của tôi không nói với tôi về các enzyme?”.

Lý do chính là quá nhiều bệnh nhân và bác sĩ của họ dựa vào thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng, đặc biệt là các bệnh về tiêu hóa. Khi qua các quầy thuốc hoặc các kệ thuốc trong siêu thị địa phương nơi bạn sinh sống, bạn sẽ thấy hàng tá sản phẩm hứa hẹn trung hòa axit dạ dày hoặc giảm tiết axit dạ dày và đó chỉ là những thứ có sẵn trên quầy thôi nhé. Thực tế việc kinh doanh thuốc kê đơn cho chứng rối loạn tiêu hóa là rất lớn. Năm 2000, người Mỹ đã chi gần 7 tỷ đô la cho omeprazole (Prilosec) và lansoprazole (Prevacid), chỉ là hai trong số nhiều loại thuốc kháng axit theo đơn.

Một thách thức khác là trong khi đã có nghiên cứu xác nhận tính hiệu quả của enzyme một cách thuyết phục, các nhà khoa học không phải lúc nào cũng có thể lặp lại các kết quả nghiên cứu, một bước cần thiết để đưa ra các xác nhận khoa học. Đôi khi, thiết kế nghiên cứu khoa học kém cũng là một trong những nguyên nhân. Ví dụ, để các enzyme tiếp xúc với nhiệt cao trong phòng thí nghiệm có thể làm giảm khả năng phát huy tác dụng của chúng, điều này sẽ làm sai lệch kết quả. Ngoài ra, trong khi các enzyme là thiết yếu cho sức khỏe tối ưu, chúng hiếm khi đi đơn lẻ trong một chế độ điều trị.

Vitamin và khoáng chất cũng cần có enzyme

Rất nhiều bệnh nhân lần đầu tiên đến gặp tôi mang theo một vali thực phẩm bổ sung dinh dưỡng mà họ đã dùng sau khi đọc một bài viết trên báo chí, internet hoặc phát hiện một sản phẩm mới trong cửa hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thông thường, họ không biết mình đang dùng gì hoặc tại sao, hoặc liệu nó có mang lại hiệu quả hay không. Họ không nhận ra rằng nếu cơ thể họ không tiêu hóa tốt thức ăn và hấp thụ được những chất dinh dưỡng từ thực phẩm, thì cũng không thể xử lý các chất bổ sung.

Các vitamin và khoáng chất không kích hoạt cho đến khi chúng hợp nhất với các enzyme. Nếu điều đó không xảy ra, chúng sẽ bị thải ra khỏi cơ thể mà không được sử dụng. Bác sĩ Ellen nói với bệnh nhân của mình rằng họ có thể tiếp tục dùng thực phẩm bổ sung, nhưng tất cả những gì họ nhận được chỉ là nước tiểu đắt tiền.

Dù sao thì, nghiên cứu đã phân lập và xác minh các hoạt động nhất định của các enzyme trong cơ thể. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi một khám phá ấn tượng đánh thức cả công chúng và cộng đồng y tế về những lợi ích thay đổi cuộc sống của các chất bổ sung enzyme.

Tuy nhiên, ngay cả khi đó, các chuyên gia có thể sẽ tiếp tục tranh luận về giá trị sinh hóa và dinh dưỡng của liệu pháp enzyme. Sau tất cả, họ đã làm như vậy trong hơn 60 năm qua! Có hai vấn đề trọng tâm của cuộc tranh cãi: thứ nhất, liệu các enzyme có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt của đường tiêu hóa hay không, và thứ hai, liệu chúng có thể đi từ ruột vào máu hay không.

Trươc đó, chúng ta đã thảo luận về cách thức các enzyme thực phẩm có thể duy trì hoạt động ở dạ dày trong một thời gian khá dài, ngay cả khi có axit. Chúng có thể chịu được môi trường axit khắc nghiệt một cách đáng ngạc nhiên. Người ta cũng biết rằng các chất bổ sung enzyme thực vật (có nghĩa là những chất bổ sung có nguồn gốc từ thực vật chứ không phải động vật) vẫn còn nguyên vẹn trong dạ dày, vì vậy chúng có thể kích hoạt khi đi qua phần còn lại của đường tiêu hóa.

Sự hấp thụ của các enzyme là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Enzyme là những phân tử lớn, có trọng lượng phân tử từ 20.000 trở lên. So sánh chúng với trọng lượng phân tử của rượu (46) hoặc nước (18) thì có thể thấy rằng các phân tử enzyme là rất lớn. Vì lý do này, người ta đều cho rằng các enzyme nguyên vẹn không thể đi từ ruột vào máu. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rằng trong điều kiện bình thường, các phân tử lớn như enzyme có thể thấm qua thành ruột. Hiện tượng này liên quan đến hiệu quả của liệu pháp enzyme trong điều trị một số bệnh mãn tính, bao gồm nhạy cảm với thức ăn, rối loạn viêm ruột, bệnh mạch máu và rối loạn chức năng miễn dịch. Ví dụ, enzyme protease có thể phá vỡ các protein trong chế độ ăn uống đã rò rỉ vào máu, gây ra hiện tượng mẫn cảm với thực phẩm và các triệu chứng tương ứng, chẳng hạn như đầy bụng, nhức đầu, phát ban, mệt mỏi và khó chịu.

Hơn 20 năm trước, hai nhà nghiên cứu Harvard đã báo cáo rằng “thực tế một của người trưởng thành bình thường có khả năng thấm các phân tử lớn… với số lượng có thể có hoạt tính kháng nguyên hoặc sinh học…”. Kể từ đó, các nguyên liệu hỗ trợ sự hấp thụ của các enzyme đã tăng lên theo cấp số nhân. Chúng ta biết rằng một số protein nguyên thể đến được ruột một cách nguyên vẹn và sau đó đi qua thành ruột vào máu; đây chính là các enzyme. Bởi vì chúng có thể kích hoạt lại nhiều lần, chỉ cần một số ít để đạt đến mức đáng kể về mặt dinh dưỡng.

Như chúng ta thấy, phần lớn tranh cãi về liệu pháp enzyme được thúc đẩy bởi những niềm tin và lý thuyết cũ không còn giá trị. Thật vậy, liệu pháp enzyme thách thức chính các nguyên tắc của y học thông thường vì nó nhắm vào nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bệnh hơn là các triệu chứng.

Khi điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ chính thống có xu hướng tìm cách khắc phục nhanh chóng các triệu chứng hoặc cơn đau bằng các loại thuốc hoặc thủ thuật. Họ ít khi đào sâu hơn để tìm ra nguyên nhân thực sự của các triệu chứng, mà theo kinh nghiệm của chúng tôi, thường là do tiêu hóa kém và kém hấp thu chất dinh dưỡng. Đây là điều rất đơn giản và dễ hiểu nhưng lại xa lạ với nhiều người trong cộng đồng y tế.

Tin tốt là ngày càng có nhiều bác sĩ áp dụng phương pháp chăm sóc toàn diện hơn, quan sát toàn bộ con người thay vì chỉ xem xét các triệu chứng và điều trị chuyên khoa. Nếu cách làm này trở thành thông lệ tiêu chuẩn, thì liệu pháp enzyme sẽ đi đầu trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Liệu pháp mà mục tiêu là nhằm điều chỉnh những khiếm khuyết cơ bản để các hệ thống chức năng của cơ thể có thể hoạt động bình thường như chúng vốn có. Đây là nền tảng của sức khỏe tối ưu.

(Lược dịch từ cuốn sách “Phép lạ vi mô – Sức mạnh chữa lành của Enzyme” của Bác sĩ Ellen Cutler)